“Trang trí” cho nghệ thuật.

000012

Bạn thân!

Nghệ thuật được xem là những điều “đẹp” nhất, được sử dụng để ghi lại những cảm xúc, những ấn tượng của mỗi người trong cuộc sống. Một điều đẹp như vậy tại sao lại cần “trang trí”?
Những suy nghĩ trên xuất hiện khi mình đọc những dòng này của một chàng trai 20 tuổi, anh Thạc viết trong “Mãi mãi tuổi 20”:

“Nếu như người viết Nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn Nhật ký đó sẽ chân thật nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất – Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những suy nghĩ tồi tệ nhất mà sự thực họ có. Nhưng nếu cuốn Nhật ký mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ khác và khác nhiều – Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện xảy ra trong ngày, không dám nói hết và đúng những suy nghĩ đã nảy nở và thai nghén trong lòng họ. Mà đó chính là điều tối kỵ khi viết Nhật ký – Nó sẽ dậy cho người viết tự lừa dối ngòi bút của mình, tự lừa dối lương tâm của mình – Tóm lại, tạo ra 2 con người.”

Đối với mình, nghệ thuật là một tiếng nói, là những tình cảm của mỗi người thể hiện bằng công cụ mỹ học. Qua nghệ thuật, mỗi người đều có thể bầy tỏ những cảm xúc, rung động của mình với cuộc sống xunh quanh. Khi học môn mỹ học ở trường đại học, thầy cô đã chỉ cho mình rằng: “Đẹp” là một quan niệm về những ấn tượng mạnh mẽ khi chúng ta tiếp nhận nghệ thuật, “Đẹp không chỉ là cảm xúc thuần túy trước những điều bắt mắt, dễ nhìn, mà nó còn gợi những cảm giác ghê sợ, buồn đau, tức là những cảm xúc sâu sắc. Như vậy nghệ thuật đối với mình là một vấn đề thuộc về cá nhân của người tạo ra nó, và người tiếp nhận nó.

Trước đây, những nhiếp ảnh gia, những người sáng tạo, hay những người theo đuổi nghệ thuật nói nói chung không có cơ hội để trình diễn, hoặc đưa những tác phẩm của mình tới số đông, một số phục vụ cho một nhóm người nhỏ, còn lại đa số đều âm thầm làm việc, trên đường phố, trong các phòng tối và hạnh phúc với những gì họ tạo ra.
Cơ may được đông đảo người biết tới là rất ít. Và thực tế là họ không có nhu cầu được nổi tiếng. Chúng ta có Van Gogh đã dành cả đời trong mọt căn phòng kín để trốn tránh những lời nhận xét của những người xunh quanh và sáng tác, rồi tự kết liễu đời mình bởi những đớn đau về tinh thần. Hay nổi tiếng nhất với nhiếp ảnh đường phố của chúng ta là Vivian maier. Bà âm thầm sống cùng nhiếp ảnh, nuôi dưỡng nó, giữ nó cho riêng mình, bà làm đơn giản vì bà yêu nó, nó như một ngôn ngữ của bà với cuộc sống. Hay như chính anh Thạc đã viết rằng:

“Không hiểu nhà thơ nào đã nói: Ai đến với cuộc đời chiến đấu để làm thơ thì khó mà làm nên hồn một bài thơ. Hãy bắt đầu từ cuộc sống, và từ đó sẽ nẩy ra thơ.”

Nếu những tượng đài chúng ta biết, họ đến với nghệ thuật để làm nghệ thuật thì liệu họ có tạo nên những tác phẩm sống trường tồn không?

Vậy đặc điểm chung của họ là gì? Đó là những khát khao nghệ thuật xuất phát từ bản thận họ, họ sống vì đối với họ nghệ thuật như là một lẽ tự nhiên, bản năng, họ mong muốn làm điều đó vì chính bản thân họ, và nghệ thuật là tiếng nói từ sâu trái tim của họ.
Ngày nay với mạng xã hội chúng ta có thể dễ dàng chia sẻ công việc, sở thích và học tập từ khắp mọi nơi trên thế giới, đến hàng triệu người. Được chia sẻ là một hạnh phúc, tuy nhiên chúng ta dễ dàng bị cuốn vào những giá trị mà không làm chúng ta hạnh phúc lâu dài được, chúng ta ngồi đợi chờ người vào like, hưởng ứng, khi không được như kì vọng chúng ta sẽ dễ thất vọng về công việc của mình, mà quên đi giá trị thực của nó. Còn với mình có một chút ảnh hưởng đó là cuộc sống người khác, mình dễ bị những thành công, những hạnh phúc của các bạn làm mình lo lắng, nản chí, có những ngày mình u uất vì thế.

Tuy nhiên những vấn đề mình kể trên là những vấn đề mang tính chất thời điểm, chúng ta có thể điều chỉnh dần, hoặc thích nghi với nó một cách từ từ, điều mình lo lắng hơn cả khi để người khác những công việc, cảm xúc của mình đó mình không được sống với cảm xúc thật của mình, sợ sệt thể hiện những điều mình suy nghĩ, trăn trở. Con người ai cũng mong muốn được người khác thấy được những điều tốt đẹp nhất của mình, sợ bị người khác suy nghĩ không tốt về mình, dù có những người không sợ điều đó thì cũng không cố gắng để hét lên những điều mà họ cho rằng mình khác biệt, trừ khi họ… muốn nổi tiếng, muốn được đám đông bàn tán.

Khi chia sẻ công việc của mình, suy nghĩ của mình cho người khác, lên mạng xã hội cơ hội để viết thẳng, thật những điều mình nghĩ là rất khó. Để người khác đọc được suy nghĩ của mình, tức là mình muốn được ủng hộ, chú ý. Và ta lại tìm mọi cách để kích thích số đông, có thể là ép ý, có thể là những hình ảnh, chữ nghĩa không đúng bản chất. Hành động này chúng ta đang cố gắng trang trí để nghệ thuật phù hợp với số đông, phù hợp mục đích ngoại nghệ thuật ban đầu. Một điều được cho là đẹp, là tinh khiết, liệu chúng ta trang trí thêm nó có đẹp hơn, hay chăng là chúng ta đã làm chúng trở nên vẩn đục, có tạp chất? Đó chẳng phải chúng ta đang tự lừa dối người khác, lừa dối chính bản thân của chúng ta chăng? Sự lừa dối nào đủ lớn, đủ mạng mẽ đều có cơ hội trở thành sự thật, con người cũng vậy, mọi hành động lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ thành tính cách, bản thân chúng ta.

Khi mình viết cho riêng mình, mình chụp ảnh cho riêng mình, mình có thể ghi chép những suy nghĩ tồi tệ nhất của bản thân mình, những điều sâu kín nhất của bản thân. Còn khi mình để cho người khác đọc được thì nó đã khác, rất khác. Mình không dám viết những điều nảy nở, thai nghén trong lòng mình, mình cân nhắc những điều mình viết để người khác có thể đọc được, đó chính là lừa dối bản thân mình, tức là tạo ra hai con người như anh Thạc đã nói.
Chính vì thế mình chọn cách viết blog, đăng tải hình ảnh chủ yếu trên blog, nơi mà ít bị ảnh hưởng bởi đám đông, đồng thời mình vẫn viết vào sổ để ghi chép những gì tận đáy suy nghĩ của mình.

Những người mình nói ở đây có thể không đúng với tất cả, mình biết rất nhiều người lao động nghệ thuật đích thực, và đưa tác phẩm của mình ra với công chúng, tuy nhiên đó là những người đã làm chủ bản thân, làm chủ nghệ thuật, họ vững vàng với tiếng nói của bản thân trong nghệ thuật. Trước khi làm được điều đó, mình sẽ viết, sẽ chụp miệt mài vì bản thân của mình.

Hãy trung thực với bản thân trước khi chúng ta có thể nói với người khác. Bằng nghệ thuật.

Luôn là chính bản thân mình!

Hiếu-11/04/2017

Bình luận về bài viết này